Bảo Lâm: Chùa Tổng Phườn – Di tích nghệ thuật và tâm linh

Theo suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong quá trình phát triển từ thời kỳ phong kiến qua các triều đại cho đến nay, dọc khắp đất nước Việt Nam người dân các địa phương đều xây dựng lên các đền thờ, chùa, chiền, miếu, mạo để thờ  phật và các vị thần linh, cũng như thờ các nhân vật lịch sử, các anh hùng dân tộc có công với nước, với dân, được nhân dân mến mộ suy tôn thành thần để  bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn. Đến lễ chùa ai cũng cầu mong về một cuộc sống tốt đẹp, bình an. Chùa Tổng Phườn tại xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cũng vậy được nhân dân xây dựng lên với những mục đích đó. Đây chính thể hiện rõ nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người dân tại xã Nam Quang và khu vực lân cận ngày ngày xưa, Bảo Lâm ngày nay.

Chùa Tổng Phườn, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm tọa lạc trên ngọn đồi cao, thoáng mát, được xây bằng gạch nung cổ trên nền đất cao 80cm, có chiều rộng 11,6 m, chiều dài 13m, mặt quay về hướng Đông, trước cửa Chùa có cây đa cổ thụ. Hiện nay dấu tích còn lại trên nền Chùa là toàn bộ nền được rải một lớp vôi, trước cửa có 02 đế chân cột được đục đẽo hình tròn bằng đá, ở bên trong có 04 chân cột giống như hai đế trước cửa và tấm bia đá được khắc trạm tinh xảo bốn mặt của tấm bia có trạm khắc bằng chữ hán nôm và có bố hình long, ly, quy, phượng. Theo lời kể của các cụ cao niên trong vùng thì Chùa Tổng Phườn ngày xưa được tổ chức ngày lễ là mồng một tháng giêng và rằm tháng bảy âm lịch, nay nhân dân đổi sang ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch (trùng với ngày tảo mộ của nhân dân nơi đây), chùa có kiến trúc chữ nhị, gồm có tiền đường và hậu cung xung quanh được xây bằng gạch nung và vôi, mái chùa có 4 mái được lợp bằng ngói âm dương, 4 đầu đao được uốn cong ngược lên, kèo đỡ mái được trạm, khắc long, ly, quy, phượng. Hậu cung là nơi thờ phụng, cúng bái có tượng một ông cụ râu dài, đầu đội mũ cánh chuồn, tay cầm bút ngồi hướng ra cửa, Trước mặt là một cái bàn và một quyển sách,  phần sau là hai con rồng chầu hình nhật nguyệt, trước mặt, tả hữu có tượng kỳ lân, phần bên phải tiền đường treo một quả chuông đồng lớn cao khoảng 1,2 m ( 6 gang tay), phần rộng nhất của chuông khoảng 60 cm (3 gang tay), phải 6 người khiêng  có trạm khắc hình hai con rồng chầu nhật nguyệt (bị mất năm 1966), Chùa có 04 bia đá được khắc bằng chữ Hán Nôm, nay chỉ còn lại 01 bia đá. Chùa được xây dựng vào giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, làm bằng gỗ, cột tròn kê đá tảng, sau đó bị mục nát. Vào khoảng năm 1939 – 1942 được sửa sang một lần ( ông Nguyễn Văn An  quê Nam Định được Pháp bổ nhiệm làm chức chi châu Bảo Lạc thay ông Nguyên Văn Thức từ năm 1938), chùa được xây bằng gạch bốn xung quanh, cột được thay thế bằng xi măng.  Từ đó qua thời gian nhiều thập kỷ, nhà chùa bị xuống cấp đổ nát và mất mát nhiều cổ vật, hình tượng trong chùa… Để tìm hiểu nguồn gốc của chùa, thông qua giới thiệu của người dân địa phương chúng tôi đã đi gặp những cụ già, những người năm bắt được về ngôi chùa này: Cụ Ma Thị Khuya  87 tuổi, xóm Tổng Phườn kể lại “ Hồi còn nhỏ thường theo bố vào chùa cúng lễ, thời gian cúng lễ chính là ngày mồng một tháng giêng và ngày 15 tháng bảy âm lịch hằng năm, còn hằng tháng mồng một và ngày rằm thì lên chùa thắp hương, các món cúng toàn bộ là món chay, còn hình tượng thì có cả hình thầy tào, bụt, ở chính giữa có tượng ông cụ có râu gọi là ông Nam Tào cầm một quản bút trước mặt có cái bàn và một quyển sách, hai bên có hai con kỳ lân chầu , trước mặt bên phải có cái chuông to, mỗi lần gõ tiếng vang rất xa cả làng, cả tổng  nghe được hết, ngày xưa chùa được làm bằng gỗ, khoảng  năm 1939 – 1942, bà được khoảng 7 – 8 tuổi có người của quan đến xây và sửa sang lại chùa, xây quây bên ngoài bằng gạch, ngói chùa thì được lợp bằng ngói âm dương, cột xây, sau đó do không được quan tâm nên chùa bị hỏng, gạch và đá tảng bị lấy đi làm cái khác, không có ai tu sửa nên bị hỏng và đổ như bây giờ.  Hồi đó lễ chùa đông lắm, mỗi nhà đến một người cả tổng đến chứ không phải là một bản này đâu, ngày lễ chính có ba ông thầy một ông cúng ở chùa, một ông cúng ở miếu (sấn), một ông cúng ở thổ công, cúng ở chùa thì cúng đồ chay, cúng ở miếu thì bằng lợn, cúng ở thổ công thì bằng gà”. Ông Ma Thế Long  hiện nay là thầy mo cúng chùa hằng năm cho biết “ Hiện nay hàng năm mo chùa thì chủ yếu là cúng phật và tất cả các vị thần trong chùa”. Theo lời cúng được dịch là thờ  bụt “phật”, hai cô bảo vệ ban thờ, bốn cô trông coi chùa và cô Bắc đẩu, đồng nghĩa với thờ mẫu . Tìm hiểu thêm qua ông Ma Thế Tuy, 84 tuổi, nguyên Chánh Văn Phòng UBND huyện Bảo Lạc, Ma Thế Quang, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, ông Ma Thế Long và bà Ma Thị Viễn được biết: Ngày xưa người trông coi và thực hiện các nghi thức tế lễ chùa được cấp một đám ruộng để cấy cày (gọi là ruộng mo). Còn chuông đồng theo lời kể truyền miệng từ xưa là tự chuyển từ Tồng Tảng  (Đồng Văn) qua Chè Lẹng (Yên Minh), điểm dừng chân đầu tiên là ở trên một mỏm đồi cao thuộc xóm Đon Sài gọi mỏm “Quằng Cuổn”,  ở đấy một thời gian, bỗng một hôm không thấy chuông ở đó nữa, từ chỗ đó có một luồng cây, cỏ, ruộng lúa đổ rạp thành một luồng dọc theo thung lũng đến một đám ruộng to gọi là Nà Bưa,  người dân thấy trên cái chuông có hai con rồng chầu nhật nguyệt, to lắm ít người không thể nhấc nổi được, cho đây là chuông quan thiêng nên ở chỗ khô ráo ở đây toàn bùn lầy, không tốt nên người dân đã thỉnh với chuông là “Chuông quan, chuông quý phải ở nơi cao thoáng, mát, thanh tịnh ở đây uế tạp không nên” từ đó một đêm chuông tự động lăn lên mỏm đồi trên cao là nền chùa hiện nay. Ngày xưa ở đây có bốn cô gái gọi là nàng, các cô này thường xuyên ở chùa để quét dọn, cúng lễ hằng ngày… nước dành cho nhà chùa từ nấu ăn, tế lễ đều phải lấy nước mỏ có tên là Bó Trà chỉ duy nhất lấy nước ở đây, ở chỗ khác tuy nước cũng rất trong và sạch nhưng không được phép dùng. Để chuẩn bị các món chay cho Chùa và ngày lễ hội của chùa thì chọn ra một người phụ nữ phải sạch sẽ về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để chế biến các món chay, lúc đang chế biến thì con trẻ và những người khác không được vào gần, trong lúc cúng lễ trong ngày hội chùa thì chỉ có thầy cúng và những trai binh được vào bên trong, còn phụ nữ thì chỉ được ở ngoài sân chùa, sau khi cúng xong và ngày thường thì ai cũng có thể vào chùa để thắp hương cúng lễ, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc...

Phiến đá hình tròn

Để có chỗ thực hiện lễ thờ, cúng mỗi khi đi xa về hoặc các ngày mồng một và rằm hằng tháng, năm 2015 bà con nhân dân đã sửa sang lại ban thờ, nhưng do không có điều kiện nên cũng chỉ dựng tạm, làm mái che ban thờ. Về phần Bia Tổng Phườn và hình các linh vật,  chữ Hán Môn được khắc trên bốn mặt của bia là một tác phẩm nghệ thuật, những nét khắc tinh xảo, chữ viết rõ ràng mạch lạc, bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ giàu cảm xúc, có giá trị rất cao làm cơ sở nghiên cứu sâu về lịch sử phát triển của huyện Bảo Lâm xưa.

Xét theo phần trên bia được dịch các quan dẫn đầu tín phụng là Trạch Hải Hầu, em ruột Cồn Trung Hầu, Cầu Vương Hầu cùng dòng tộc xây dựng.  Năm 1428 Lê lợi lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân Minh lên ngôi hoàng đế  trong đó có công của các tù trưởng ở khu vực vùng núi phía Bắc, để an dân nhà vua đã  phong hầu cho 7 họ thổ, tù thổ mộc ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên… trong đó có dòng họ Nông, họ Ma, họ Bế, Vương,  Nguyễn, Hoàng, Đinh ở các khu vực thuộc tinh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn và Thái Nguyên, qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đến cuối thời kỳ Lê Trung Hưng vẫn duy trì việc phong hầu cho các dòng họ đó, ứng với phần chữ Hán Nôm được dịch ba anh em Trạch Hải Hầu, Cồn Trung Hầu và Cầu Vương Hầu là hầu tước được nhà Lê sắc phong và quản lý khu vực này, đã xây dựng chùa để thờ phật, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và cầu cho đất nước tươi đẹp, mùa màng bội thu, mọi người đều bình an, cuộc sống ấm no, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân thời bấy giờ. Theo lịch sử thì châu Bảo Lạc đã có từ xưa, sau năm 1835, khởi nghĩa Nông Văn Vân thất bại, nhà Nguyễn xóa bỏ châu Bảo Lạc lập thành 02 châu Đế Định và Vĩnh Điện (Bảo Lạc, Bảo Lâm), đến năm 1891 thành lập tỉnh Hà Giang có  03 châu, Bảo Lạc, Vị Xuyên và Vĩnh Tuy châu Vĩnh Điện và  Đế Định được nhập và lấy tên Bảo Lạc, xét theo căn cứ này chùa được làm vào năm canh thân chỉ có thể là năm 1800, thời kỳ cuối Tây Sơn, nhưng do sự ảnh hưởng của Tây Sơn lúc bấy giờ còn rất hạn chế ở nơi này, nên những sắc phong đó thuộc về nhà Lê. Bên cạnh đó có những câu chuyện về cuộc sống người dân liên quan đến chùa, nghe những câu chuyên có vẻ ma mị nhưng đó cũng là một phần tín ngưỡng, tâm linh của người dân.

Hoa văn con phượng trên bia

Thay lời cho nguyện vọng của nhân dân Ông Ma Thế Cường, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “ Chùa này có rất lâu rồi, qua các cụ kể lại đời trước truyền đời sau thôi, tôi cũng nắm được một chút về chùa, qua quá trình lâu năm, chùa bị mai một xuống cấp, ngày xưa chùa được làm bằng gỗ, có bốn mái lợp ngói âm dương, trước cửa có bậc xếp bằng đá phiến, hai bên là hai cột có đá tảng, xung quanh chùa được xây bằng gạch, qua thời gian dài tường bị phong rêu, đổ nát. Nhân dân cũng rất mong muốn xây dựng lại để có nơi tổ chức cúng lễ hằng năm, để phục vụ nhu cầu tâm linh, trước đây chuông chùa được treo ở cành cây sát ban thờ, mỗi lần gõ chuông vang rất xa, sau đó bị mất đi đâu không rõ. Cái bia đá này xã đã trình lên cấp trên và được khảo sát, thẩm định và đã được công nhận Di tích nghệ thuật cấp tỉnh, bà con nhân dân trong xã Nam Quang mong Nhà nước đầu tư phục dựng lại để bà con hằng năm để bà con có nơi tổ chức lễ hội chùa…”

Phiến đá ở bậc tâm cấp cửa chùa

Chùa Tổng Phườn được  xây dựng đến hiện tại đã hơn 200 năm, là kiến trúc nghệ thuật và hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, trải dài theo thời gian chùa đã bị đổ nát và mất nhiều đồ vật quý, hiện nay chỉ còn lại một số dấu tích, cần được phục dựng. Tuy bị đổ và hỏng, nhưng nhân dân trong vùng hằng năm vẫn tổ chức lễ chùa. Vì đó là món ăn tinh thần, văn hóa tâm linh của họ. Họ đến lễ chùa có cảm giác được che chở, được ước nguyện những điều tốt đẹp mong muốn, chính từ nhận thức đó đã góp phần cho con người sống tốt hơn, hoàn thiện hơn, tâm, đức trong sáng hơn, có tính nhân đạo, nhân văn hơn và đó cũng là động lực tinh thần đặc biệt để họ sống phấn đấu vươn lên những giá trị cao đẹp, được thể hiện ở bài thơ của Huân Nghĩa Bá Đinh Văn Thuộc khắc trên bia đá:

Danh lam cổ tích hiệu Đồng Viên

Vừa bái vừa tu năm tháng truyền

Trắng trắng lam lam hương ngút khói

Không không sắc sắc đất sinh sen

Thanh cao từ đó nhân văn thịnh

Hầu Bảo lúc này cảnh sắc tiên

Tích thiện có tâm trời trả thiện

Trời phù nhân thế sống tươi xuân.

              Bế Quang – TTVH và TT Bảo Lâm

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập