Điểm một số hoạt động của Lãnh đạo tỉnh nổi bật Tuần 32 năm 2022 (từ ngày 01-07/8/2022)
Lượt xem: 787

Kiểm tra công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); kiểm tra hoạt động khoáng sản và quản lý, sử dụng đất tại các địa phương; ký kết hợp tác phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030; Phiên họp thường trực HĐND tỉnh tháng 7/2022; Báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chúc mừng Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo; Dự Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình MTQG 6 tháng đầu năm; hội nghị trực tuyến về tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là những hoạt động nổi bật của Lãnh đạo tỉnh trong tuần công tác vừa qua.

1. Sáng 01/8, nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930-01/8/2022), đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến chúc mừng tập thể, lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê tặng hoa chúc mừng tập thể, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tập thể lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói riêng và ngành Tuyên giáo nói chung nhân ngày truyền thống của ngành; đồng thời khẳng định: Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có nhiều đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng với phương châm hành động “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”. Tham mưu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng với các cơ quan báo chí, các ngành làm tốt công tác truyền thông, giúp cho Đảng bộ tỉnh tuyên truyền sâu rộng, toàn diện, sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội.

Đề nghị, ngành Tuyên giáo của tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống 92 năm với phương châm “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, phát huy tinh thần chủ động, đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với cấp ủy các cấp và hệ thống chính trị hoàn thành thắng lợi và vượt mức mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng như kế hoạch 5 năm 2020-2025 về thực hiện kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại địa phương.

Chiều ngày 01/8, UBND tỉnh và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2050. Dự lễ ký kết có đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan. Về phía Hiệp hội Mắc ca Việt Nam có ông Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank...), Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội.

Tại lễ ký kết, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã giới thiệu tiềm năng phát triển trồng cây Mắc ca tại thị trường trong nước và nước ngoài.

          Tại Cao Bằng, qua khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số rất phù hợp đưa cây Mắc ca trở thành một trong những cây chủ lực xóa đói giảm nghèo, phát triển lợi thế kinh tế rừng. Hiện nay, một số hộ xã Đại Sơn, huyện Quảng Hòa đã trồng cây Mắc ca sinh trưởng tốt, có sản lượng cao có thể nhân rộng mô hình. UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư Dự án trồng và phát triển cây Mắc ca và một số cây lâm nghiệp khác tại xã Bạch Đằng, huyện Hòa An.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo nhấn mạnh, tỉnh rất tâm huyết trong việc phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân theo hướng phát triển bền vững theo hướng chuỗi liên kết giá trị. Đó là sự liên kết chặt chẽ giữa 04 nhà gồm nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà nông. Bên cạnh đó mong muốn Hiệp hội Mắc ca khảo sát và chọn vườn cây Mắc ca có quy mô tương đối hiện có trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc bài bản, qua đó đánh giá mức độ phù hợp của cây Mắc ca tại Cao Bằng để có cơ sở triển khai sau này. Đồng thời giới thiệu các công ty, doanh nghiệp thành viên vào đầu tư xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh; giới thiệu các dòng mắc ca phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu của tỉnh và các cơ sở sản xuất giống cây mắc ca đảm bảo chất lượng. Tỉnh cam kết sẽ sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện để Hiệp hội Mắc ca khảo nghiệm, khảo sát và phát triển cây mắc ca trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo và Đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

 Sau khi thảo thuận, trao đổi, 2 bên thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển Mắc ca trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2050.

* Cùng ngày, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp đánh giá, báo cáo tiến độ cập nhật, bổ sung Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh theo đề cương đã được phê duyệt tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 03/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”, Quy hoạch tỉnh được triển khai xây dựng. Sau nhiều cuộc họp thống nhất quan điểm phương hướng, nội dung được thể hiện trong bản Quy hoạch, Tỉnh Cao Bằng đã gửi dự thảo báo cáo xin ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương lân cận theo Công văn số 1053/UBND-TH ngày 06/5/2022 của UBND tỉnh Cao Bằng. Đã có 16 bộ, ngành và 8 địa phương lân cận góp ý vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Cao Bằng.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến về căn cứ lập quy hoạch, phương pháp lập quy hoạch, thực trạng, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực….

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành rà soát lại các số liệu trong báo cáo góp ý của các bộ, ngành và địa phương; rà soát lại các dự án theo hướng bám sát các chỉ tiêu phân bổ trong kế hoạch sử dụng đất Quốc gia để xây dựng chỉ tiêu đất đai phù hợp với quy hoạch; rà soát lại quy hoạch của khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh, phát triển hạ tầng, giao thông, thủy lợi, các công trình năng lượng; du lịch, văn hóa; đất xử lý rác thải; quy hoạch khu vực thể dục thể thao tại thành phố Cao Bằng… Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố rà soát lại quy hoạch rừng, nhất là rừng phòng hộ; các dự án định canh, định cư theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đơn vị tư vấn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch theo đúng tiến độ đề ra.

2. Ngày 02/8, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất đai và các hoạt động khoáng sản tại Thành phố và 2 huyện: Nguyên Bình, Hòa An. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, các huyện, Thành phố.

Đoàn công tác khảo sát và nghe kiến nghị, vướng mắc về quản lý, sử dụng đất đai tại Nhà máy gạch tuynen Nam Phong (Thành phố). Tiếp đó, đoàn khảo sát thực địa khu vực mỏ sắt, xóm Bản Luộc - Bản Nùng, thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình); thăm, khảo sát và làm việc tại Nhà máy sắt xốp và thép hợp kim Cao Bằng (Công ty Mirex), xã Hoàng Tung (Hòa An).

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh khảo sát thực địa tại khu vực mỏ sắt, xóm Bản Luộc - Bản Nùng, thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình)

Sau khi nghe kiến nghị của Nhà máy gạch tuynen Nam Phong, Công ty Mirex và ý kiến của các ngành liên quan, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đề nghị đối với Nhà máy gạch tuynen Nam Phong, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục phối hợp hoàn thiện các thủ tục pháp lý về quản lý, sử dụng, cho thuê đất; giải thích rõ ràng, cụ thể cho doanh nghiệp; quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức trong ngành chủ động, nhiệt tình, trách nhiệm, làm việc trên tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động. Phía doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng đất và nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.

Đối với Công ty Mirex, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác nguyên liệu, sớm hoàn thiện thủ tục cấp phép để dự án vận hành có hiệu quả. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các phương án đảm bảo môi trường tại các khu vực điểm mỏ theo quy định của pháp luật. Công ty cần có phương án sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu để đảm bảo duy trì hoạt động, tạo việc làm cho lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

*Cùng ngày, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Lê Hải Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

3. Ngày 03/8, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) tại các huyện: Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh.

Cùng đi có đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các huyện: Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh; các đơn vị tư vấn.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh kiểm tra vị trí khu vực xây dựng hầm số 2 tại xóm Bản Néng, xã Thụy Hùng (Thạch An).

Đoàn kiểm tra các vị trí xây dựng nhà điều hành đường cao tốc và khu tái định cư xóm Đoỏng Lẹng, thị trấn Đông Khê; khu vực xây dựng hầm số 2 tại xóm Bản Néng, xã Thụy Hùng (Thạch An); khu tái định cư thị trấn Hòa Thuận; nút giao kết thúc giai đoạn 1 của dự án tại xã Chí Thảo; khu tái định cư xóm Đồng Ất, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa); kiểm tra điểm cuối của tuyến cao tốc tại thị trấn Trà Lĩnh (Trùng Khánh)

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các huyện: Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về khu vực xây dựng dự án; phổ biến về quy mô dự án, cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cao tốc. Giao Ban cán sự UBND tỉnh chỉ đạo các huyện thành lập tổ công tác GPMB của huyện; tiếp tục duy trì các tổ giúp việc thực hiện triển khai dự án. Các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư sớm thống nhất phương án điều chỉnh, xác định cụ thể ngoài thực địa, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương bàn giao đất và chuẩn bị kinh phí bồi thường theo phương án lập để chi trả cho người dân theo đúng quy định. Chuẩn bị sẵn sàng, đẩy đủ mọi thủ tục, hồ sơ pháp lý của dự án để khi dự án được phê duyệt có thể triển khai nhanh chóng.

*Cùng ngày, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 7/2022, xem xét giải quyết một số dự thảo tờ trình và nội dung phát sinh giữa 2 kỳ họp; đánh giá, rút kinh nghiệm tổ chức Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.

Tham dự có các đồng chí: Nông Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các ban HĐND tỉnh; một số sở, ngành liên quan.  

Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê phát biểu kết luận phiên họp.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê nhất trí việc bổ sung mỏ cát, sỏi đồi Pác Chang, xã Khâm Thành (Trùng Khánh) vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2022. Thời gian tới, đề nghị các ngành chức năng thẩm định dự án cụ thể, quan tâm công nghệ khai thác, chế biến, hạn chế công nghệ lạc hậu, đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm hạ giá thành vật liệu; quan tâm vấn đề môi trường, ưu tiên lựa chọn địa điểm tránh ảnh hưởng đến công viên địa chất.

Nhất trí việc đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, đề nghị UBND tỉnh, các ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ các nội dung, tính toán lại đập nước dâng. Trong thời gian kỳ họp chuyên đề tới, Ban Kinh tế - Ngân sách tiếp tục cùng các sở, ngành khảo sát lại dự án; UBND tỉnh chỉ đạo các ngành khẩn trương rà soát các nội dung liên quan, đăng ký‎ với HĐND tỉnh về ban hành các nghị quyết, nội dung cần chuẩn bị trước ngày 10/8/2022.

4. Ngày 04/8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) của tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình MTQG 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch thực hiện 3 chương trình MTQG trong thời gian tới. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện các chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025 chủ trì.

Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh trên 4.669 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 4.447 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh trên 222 tỷ đồng. Riêng năm 2022, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình MTQG 1.648 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, tỉnh thành lập BCĐ tỉnh, BCĐ 10/10 huyện, Thành phố. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, trong thời gian triển khai gặp một số vướng mắc như: nguồn vốn chương trình MTQG giao chậm, các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đồng bộ và đầy đủ, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp thực hiện chương trình, gây khó khăn cho công tác giải ngân vốn năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị các cơ quan thường trực phối hợp với các sở, ngành thống kê, rà soát lại từng chương trình để chủ động trong việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, văn bản hướng dẫn kịp thời; rà soát lại các mục tiêu cụ thể trong 3 chương trình MTQG để tỉnh sớm phê duyệt kế hoạch thực hiện. Đưa ra giải pháp giao vốn thực hiện các dự án đầu tư theo quy định, xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện vốn sự nghiệp trước ngày 30/8/2022.

*Cùng ngày, BCĐ 389 quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng BCĐ 389 quốc gia chủ trì.

Tại điểm cầu Cao Bằng, đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389/ĐP tỉnh chủ trì. Tham dự có các thành viên BCĐ 389/ĐP tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng

5. Ngày 05/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu Cao Bằng, đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ cấp tỉnh chủ trì. Tham dự có các đồng chí thành viên BCĐ thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo tham luận tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Cao Bằng là tỉnh có cả 3 Chương trình MTQG (bao gồm: chương trình MTQG xây dựng nông thôn; chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025). Toàn tỉnh có 139 xã tham gia thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM. Đến hết năm 2021, mới có 17 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 12,2%. Theo Quyết định 652/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình MTQG, cả giai đoạn, toàn tỉnh được phân bổ trên 395 tỷ đồng.

Mục tiêu của tỉnh Cao Bằng đưa ra trong giai đoạn này là phấn đấu hết 2025 có trên 50 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, phấn đầu có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành NTM. Tỉnh đề xuất, kiến nghị: các Bộ, ngành sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung chương trình, hướng dẫn thực hiện các Bộ tiêu chí để các địa phương có căn cứ triển khai đồng bộ; sớm phê duyệt các chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM, thông tư hướng dẫn sử dụng, quyết toán các nguồn vốn. Ưu tiên cho các tỉnh khó khăn như Cao Bằng tham gia các chương trình chuyên đề giai đoạn 2021-2025 như: Chương trình OCOP, chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị từng cơ quan, đơn vị, địa phương tùy theo chức năng của mình xây dựng kế hoạch hành động tham gia chương trình một cách cụ thể, sáng tạo. Đối với các địa phương, ngoài nguồn vốn Trung ương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, vừa thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn. Mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực và đồng hành sát sao với các cơ sở; Cần thay đổi cách tiếp cận Chương trình xây dựng NTM với tư duy mới, không chỉ tập trung vào phát triển hạ tầng, mà cần đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, thân thiện mới môi trường; chú ý đan xen các công trình, không gian sinh hoạt cộng đồng, sự giao lưu kết nối cư dân nông thôn và mở ra cách tiếp cận với khu vực đô thị.

         

 D.L (Tổng hợp)

 

Tin khác





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1